Những quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình
Khi thi công tại công trường xây dựng, các đơn vị tham gia cần tuân thủ những quy tắc nhất định để đảm bảo sự an toàn của công nhân và người tham gia trong quá trình xây dựng. Dưới đây là những quy định, yêu cầu về an toàn lao động mà bất kỳ nhà thầu nào cũng cần nắm rõ.
Thế nào là an toàn lao động trong thi công xây dựng?
Căn cứ theo khoản 20 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, an toàn trong thi công xây dựng công trình là đưa ra giải pháp để phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong môi trường xây dựng nhằm bảo vệ tất cả những người tham gia, thiết bị và tài sản, đồng thời giảm nguy cơ tai nạn, chấn thương và thiệt hại tại công trường xây dựng.
Bất kỳ dự án nào cũng cần đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng
Điều này bao gồm một loạt các biện pháp mà các nhà thầu, công nhân, quản lý dự án và cơ quan quản lý phải tuân theo để tạo ra một môi trường làm việc an toàn như: bảo vệ nhân công, quản lý thiết bị và vật liệu, kiểm tra đường hầm và hố móng, biển báo và cảnh báo, quản lý hóa chất và vật liệu nguy hiểm, an toàn công cộng, xử lý tai nạn và sự cố,...
An toàn trong thi công xây dựng công trình được quy định như thế nào?
Quy định về an toàn trong thi công xây dựng được áp dụng đối với từng đơn vị, cá nhân tham gia, bao gồm: nhà thầu thi công, chủ đầu tư và người lao động.
Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình
Theo quy định tại điều 13 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP có quy định chi tiết về trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng. Theo đó nhà thầu phải đảm bảo rằng mọi hoạt động xây dựng được thực hiện một cách an toàn và tuân theo các quy tắc, tiêu chuẩn nhất định:
- Họ phải cung cấp và đảm bảo việc sử dụng đúng thiết bị bảo vệ cá nhân cho các công nhân và thực hiện biện pháp an toàn.
- Quản lý, kiểm tra, bảo trì các thiết bị và vật liệu xây dựng để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả của chúng. Đảm bảo rằng các vật liệu đáp ứng đúng tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật.
- Thực hiện công việc xây dựng theo bản vẽ và thiết kế đã được phê duyệt, đảm bảo tính chính xác và an toàn của công trình.
- Quản lý và hướng dẫn công nhân một cách an toàn, hiệu quả. Đồng thời đảm bảo rằng các công nhân đều được đào tạo và có kiến thức về an toàn lao động.
- Quản lý và sử dụng hóa chất, vật liệu nguy hiểm theo các quy tắc an toàn, đảm bảo rằng thông tin về các chất này được đánh dấu và hiểu rõ.
- Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và thực hiện biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường.
- Đảm bảo an toàn cho người đi lại, người dân xung quanh và giao thông công cộng trong khu vực công trường.
Nhà thầu phải cung cấp và đảm bảo việc sử dụng đúng thiết bị bảo vệ cá nhân cho người lao động
Trách nhiệm của chủ đầu tư
Bên cạnh nhà thầu thi công, chủ đầu tư cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thi công xây dựng, cụ thể:
- Thẩm định và phê duyệt các quy tắc an toàn, tiêu chuẩn, kế hoạch an toàn của nhà thầu trước khi công trình bắt đầu. Điều này đảm bảo rằng các biện pháp an toàn đủ chặt chẽ và phù hợp đã được áp dụng.Cung cấp nguồn tài chính và nguồn lực cần thiết để thực hiện các biện pháp an toàn, cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân, đào tạo nhân công, và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn.
- Giám sát việc thực hiện các biện pháp an toàn tại công trường, đảm bảo rằng nhà thầu, người lao động tuân theo quy định và thực hiện các biện pháp cần thiết.
- Chủ trì và phối hợp với các bên có liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong thi công xây dựng công trình.
- Tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trách nhiệm của người lao động trong việc đảm bảo an toàn trên công trường
Người lao động cần tuân thủ các quy định về an toàn trong thi công xây dựng
Người lao động của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên công trường phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật:
- Thực hiện các trách nhiệm của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn và vệ sinh lao động;
- Báo cáo với người có thẩm quyền khi phát hiện ra nguy cơ gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng;
- Từ chối thực hiện các công việc được sau khi thầy không đảm bảo an toàn lao động và không được cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định;
- Chỉ nhận thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn vệ sinh lao động;
- Tham gia ứng cứu, khắc phục tai nạn lao động, sự cố mất an toàn lao động;
- Thực hiện các nội dung khác theo quy định pháp luật về an toàn và vệ sinh lao động.
Biện pháp đảm bảo an toàn trong việc thi công công trình xây dựng
Môi trường xây dựng luôn tiềm ẩn những rủi ro, người lao động hay người sử dụng lao động cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để bảo vệ sức khỏe và tài sản. Các biện pháp an toàn trên công trường xây dựng hiện nay mà các nhà thầu có thể tham khảo:
1. Xác định và phân loại các nguy cơ tiềm ẩn tại công trường, bao gồm nguy cơ về an toàn, môi trường và sức khỏe của công nhân. Đánh giá mức độ nguy cơ và xác định biện pháp an toàn tương ứng.
2. Xây dựng kế hoạch an toàn chi tiết cho công trình, bao gồm việc xác định các biện pháp an toàn, lịch trình, và nguồn lực cần thiết.
3. Trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động cũng như là người sử dụng lao động. Trong trường hợp người lao động làm việc ở độ cao thì thiết bị đảm bảo an toàn là thứ rất quan trọng bao gồm: giày bảo hộ, kính mắt, mũ bảo hộ, dây đai, dây an toàn, đồng phục,... Ngoài ra, với những công trình có quy mô lớn có thể sử dụng các máy móc hiện đại với chức năng điều khiển từ xa để làm những việc có tính chất nguy hiểm.
4. Xác định và thiết lập các vùng cấm cho công nhân để bảo vệ khỏi các nguy cơ tiềm ẩn. Những vùng cấm có thể bao gồm các khu vực nguy hiểm hoặc khu vực đang được thi công.
5. Tổ chức các buổi huấn luyện an toàn lao động trong xây dựng cho người lao động. Đảm bảo rằng mọi người đều có kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc một cách an toàn.
Khu vực huấn luyện an toàn lao động tại Công ty ACE Thái Bình Dương
6. Tổ chức kiểm tra và xem xét định kỳ máy móc, thiết bị, khu vực thi công,... để đảm bảo rằng mọi người đang tuân thủ tốt các quy định an toàn, đồng thời phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn.
7. Sử dụng đầy đủ hệ thống biển báo, biểu ngữ và tín hiệu để cảnh báo nguy cơ và hướng dẫn hành vi an toàn.
8. Đảm bảo vệ sinh an toàn nơi làm việc: người lao động luôn phải có ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ công trình xây dựng.
9. Triển khai kế hoạch và quy trình xử lý tai nạn và sự cố, bao gồm cứu hộ và chăm sóc y tế cần thiết.
10. Báo cáo về tiến độ và tình hình an toàn của dự án cho các bên liên quan và thực hiện giao tiếp hiệu quả về các biện pháp an toàn và thay đổi trong kế hoạch.
An toàn trong thi công xây dựng công trình là một yếu tố quan trọng không chỉ giúp bảo vệ những người tham gia mà còn đảm bảo tiến độ dự án diễn ra một cách hiệu quả nhất. Điều này đòi hỏi sự tuân thủ và hợp tác của tất cả các bên liên quan trong dự án xây dựng. Hy vọng với những nội dung chia sẻ trong bài viết sẽ giúp các nhà thầu, chủ đầu tư có thêm kiến thức và thực hiện công việc một cách an toàn, hiệu quả, tuân thủ các quy định pháp luật và tiêu chuẩn ngành.